diadiemthamquan,
hoian,
langnghetruyenthong
Làng gốm Thanh Hà
( Nguồn : kinhtenongthon.com.vn )
Giới thiệu Làng gốm Thanh Hà Hội An
Địa điểm : Từ phố cổ Hội An - du khách theo tuyến đường Hùng Vương - đến ngã giao với đường 18/8 - rồi hỏi người dân địa phương đường vào Làng gốm Thanh Hà, đi đoạn ngắn nữa là đến.Nằm bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An 4 km về hướng Tây, làng gốm Thanh Hà được biết đến như làng nghề truyền thống nổi tiếng đã song hành cùng quá trình hình thành và phát triển của phố Hội An từ thế kỷ XV- XVI. Sản phẩm gốm từ làng tỏa đi khắp các xã, phường ở Hội An và những vùng lân cận để phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, góp phần tô điểm thêm cho nét đẹp trầm lắng của khu di sản văn hóa thế giới.
Gốm Thanh Hà tạo nên sự khác biệt với các làng gốm khác ở việc không sử dụng men gốm mà người thợ kết hợp các yếu tố đất, nước, lửa cùng với những kinh nghiệm để làm nên hồn gốm. Vì thế, sản phẩm sau khi được nung qua lửa, màu đỏ hồng của đất sét rực lên một vẻ đẹp khỏe khoắn rất đặc trưng. Vật liệu làm nên gốm Thanh Hà là đất sét từ sông Thu Bồn, đây là loại đất sét màu vàng nâu, có độ dẻo và kết dính cao. Đất lấy về được người thợ Thanh Hà trộn, xéo, nề, ủ cho đến khi nhuyễn mịn mới đưa lên bàn xoay. Qua đôi tay của các nghệ nhân, khối đất sét được tạo thành vô số hình dạng khác nhau rồi để cho se lại, mang ra ngoài nắng phơi khô mới đem nung.
Đến Thanh Hà, ngoài việc được thưởng thức tài hoa trong nghệ thuật chế tác, điều khiến những du khách trong đoàn thích thú hơn cả là họ được các nghệ nhân hướng dẫn để tự tay làm nên các sản phẩm gốm chỉ với đất sét và chiếc bàn xoay đơn giản. Chứng kiến cảnh một nghệ nhân cao tuổi hướng dẫn các bạn trẻ ngoại quốc làm gốm, tôi cảm thấy yêu lắm hình ảnh đôi bàn tay đã tạo nên những đường cong hoàn hảo trên chiếc bình. Không cần bất cứ ngôn từ nào, chỉ qua ánh mắt, cử chỉ, nụ cười, hai thế hệ từ hai nền văn hóa khác biệt vẫn đồng cảm để làm nên một sản phẩm, đó là một trải nghiệm thú vị họ khó có được ở nơi khác. Điều khiến tôi thấy tự hào lúc này là hình ảnh những món quà lưu niệm nhỏ được các vị khách trân trọng, gói ghém cẩn thận cho vào túi, để rồi một thương hiệu gốm Việt theo họ đến những vùng đất mới.
Về Thanh Hà hôm nay, sắc đỏ của gốm vẫn hiện diện khắp nơi, mỗi ngôi nhà đều có hàng cây xanh phủ bóng, những cây đa, bến nước, sân đình của một làng cổ được lưu giữ nguyên vẹn, mang lại cảm giác thư thái về một vùng quê yên bình. Rảo bước trên con đường làng với những hàng chè tàu đều tăm tắp, tôi thầm biết ơn những người làm du lịch nơi đây ở cách mà họ gìn giữ “cảnh xưa người cũ” để giới thiệu với du khách quốc tế.
Năm 2002, khi Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP.Hội An bắt tay đầu tư cho nơi nay, làng gốm Thanh Hà chỉ đón được 6.408 lượt khách; đến năm 2014, con số này đã lên đến 45.788 lượt khách tham quan, giúp cuộc sống của người dân làng gốm được cải thiện đáng kể. Đây là kết quả đáng mừng cho những nỗ lực của Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP.Hội An nói chung, các gia đình nghệ nhân làng gốm Thanh Hà nói riêng trong việc phát huy các giá trị truyền thống dân tộc, giữ cho ngọn lửa gốm vẫn rực sáng mãi.
0 nhận xét